Tận trung với Tây Sở Chương Hàm

Ung vương ở Tam Tần

Chương Hàm cùng Hạng Vũ tiến về tây tiêu diệt nhà Tần. Dù vào Quan Trung trước nhưng yếu thế hơn nên Lưu Bang phải để Hạng Vũ tiếp quản Hàm Dương và giao nộp vua Tần Tử Anh đã đầu hàng.

Hạng Vũ có công lao diệt Tần nhiều nhất và thế lực mạnh nhất nên làm chủ phân phong các chư hầu. Hạng Vũ tôn Sở Hoài vương làm Nghĩa đế, đày đi Trường Sa, tự xưng làm Tây Sở Bá vương. Lưu Bang được phong làm Hán vương vào đất Thục, còn Chương Hàm cùng Tư Mã Hân và Đổng Ế được phong làm vương Tam Tần:

  • Chương Hàm làm Ung vương, đóng đô ở Phế Khâu.
  • Tư Mã Hân làm Tắc vương, đóng đô ở Lịch Dương.
  • Đổng Ế làm Địch vương, đóng đô ở Cao Nô.

Mục đích của Hạng Vũ chia đất Tần làm 3 và phong cho các tướng Tần cũ để kìm chế Lưu Bang.

Cố thủ Phế Khâu

Lưu Bang không được làm vương ở Quan Trung mà bị đày ải vào Tây Thục rất bất mãn nên nuôi chí phục thù.

Tháng tám năm 206 TCN, Hán vương dùng mưu kế của Hàn Tín, giả cách sửa sang đường sạn đạo đã bị đốt khiến quân Chương Hàm ngỡ rằng quân Hán còn lâu mới ra khỏi cửa ải. Nhưng Hàn Tín lại đi qua huyện Cố Đạo đánh úp Ung Vương Chương Hàm.

Ung vương đón đánh quân Hán ở Trần Thương. Ông bị thua trận, phải rút lui. Ông dừng lại đánh đất Hạo Trĩ, lại bị thua trận, bỏ chạy về kinh thành Phế Khâu. Hán vương đuổi theo, bình định đất đai của Ung vương, đi về đông đến Hàm Dương.

Chương Hàm cố thủ trong thành không ra đánh. Lưu Bang cho một cánh quân riêng vây Ung vương ở Phế Khâu, còn sai các tướng bình định Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quận.

Sang đầu năm 205 TCN[2], Địch vương Ế và Tắc vương Hân đều hàng Hán. Tam Tần chỉ còn một mình Chương Hàm trung thành với Hạng Vũ, cố thủ không hàng Hán.

Không hàng Hán vương

Đến tháng giêng, Chương Hàm thấy quân Hán bình định hết đất đai Tam Tần, sốt ruột sai em là Chương Bình mang quân ra đánh. Tuy nhiên Bình thế yếu không chống lại được quân Hán, bị quân Hán bắt sống. Từ đó ông quyết ý cố thủ để chờ viện binh của Sở Bá vương Hạng Vũ.

Nhân lúc Hạng vương đi đánh Tề, Lưu Bang thừa thắng tiến về phía đông thôn tính và thu phục các chư hầu: Thường Sơn (Trương Nhĩ), Hàn (Trịnh Xương), Hà Nam (Thân Dương), Ân (Tư Mã Ngang), Ngụy (Ngụy Báo), và Triệu (Triệu Yết). Quân Hán kéo thẳng vào kinh đô Sở là Bành Thành. Tuy nhiên, Chương Hàm vẫn không nao núng, quyết tâm tử thủ ở Phế Khâu.

Hạng vương mang 3 vạn tinh binh từ Tề trở về, đại phá quân Hán ở Bành Thành. Lưu Bang thua tan tác bỏ chạy về tây. Tư Mã Hân và Đổng Ế lại trở lại hàng Sở, các chư hầu Ngụy, Triệu cũng bỏ Hán theo Sở; nước Tề cũng xin giảng hòa với Sở.

Hạng vương tổ chức truy kích Lưu Bang nhưng đến đất Kinh và đất Sách thì quân Sở bị Hàn Tín đánh chặn lại, phải rút lui. Từ đó hình thành thế giằng co giữa Hán và Sở.

Tháng 6 năm 205 TCN, sau khi củng cố tình hình Quan Trung để làm hậu cứ cho chiến trường, Hán vương Lưu Bang dồn sức tấn công Phế Khâu vì sợ Chương Hàm làm nội ứng cho Hạng Vũ ở Quan Trung. Chương Hàm kiên cường phòng thủ. Hán vương sai quân dẫn nước sông vào thành làm ngập Phế Khâu. Quân Tần không chống nổi phải đầu hàng. Chương Hàm thấy không thể cứu vãn được tình thế bèn tự sát. Thành Phế Khâu sau gần 1 năm bị vây hãm đã thất thủ.

Hán vương đổi tên Phế Khâu làm Hòe Lý.

Cuối đời nhà Tần cho tới thời Hán Sở, chiến tranh liên miên, chính lệnh thay đổi liên tục; các tướng sĩ, chư hầu đều tùy thời thế mà ngả theo phe này hay phe kia. Chương Hàm nằm trong số ít những trung thần: nhà Tần tàn bạo đã rất mất lòng dân và lung lay trước ngọn lửa chiến của chư hầu nhưng ông vẫn một mình đánh đông dẹp bắc, xoay xở ngoài chiến trường. Dẫu ngọn lửa chiến cháy càng to, nhưng Chương Hàm vẫn kiên trì chiến đấu để mong cứu vãn tình thế; mãi đến lúc bị vua Tần và gian thần Triệu Cao truy bức, không còn đường lui tiến để làm tôi con nước Tần, thế cùng ông mới chịu theo Hạng Vũ. Mang ơn Hạng Vũ không báo cái oán giết Hạng Lương mà phong làm chư hầu, Chương Hàm tận trung với Hạng Vũ đến chết không thay lòng đổi dạ như những người cũng từng được Hạng Vũ hậu đãi là Tư Mã Hân, Đổng Ế, Tư Mã Ngang, Thân Dương hoặc Trương Nhĩ.